Bệnh hen phế quản là nỗi lo sợ với nhiều người. Nó gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống sinh hoạt, cũng như sức khỏe của mọi người. Nếu gia đình bạn có người lớn tuổi thì nên bổ sung các kiến thức liên quan đến căn bệnh này. Từ đó mọi người sẽ có thể theo dõi các biểu hiện khác thường của cơ thể nhiều hơn. Để phòng bệnh đạt hiệu quả tốt nhất bạn nên thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ bây giờ. Đặc biệt là phòng tránh tái phát bệnh hen vào mùa lạnh. Đừng quá lo lắng, vì hầu hết các cách phòng bệnh đều đơn giản và không quá khó khăn với những người lớn tuổi.
Bệnh hen là gì?
Ở người cao tuổi mắc bệnh hen, cần hết sức đề phòng các cơn hen cấp tái phát. Bởi nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Lâu dài, bệnh hen có thể biến chứng trở thành bệnh tâm phế mạn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh giãn khí phế quản hoặc khí phế thũng. Khi đã biến chứng thành các bệnh này, bệnh hen vẫn tồn tại nên càng khó khăn trong chữa trị.
Bệnh hen hay còn gọi là hen suyễn, hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở. Nó làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở. Làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm… Những triệu chứng này nếu nhẹ thường bị bỏ qua, vì thường cho là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nhất là vào mùa lạnh thời tiết thay đổi đột ngột.
Tuy nhiên bệnh rất dễ tái phát, xuất hiện các cơn hen cấp, ho nhiều và rất khó thở, thậm chí nguy hiểm tính mạng… Đặc biệt, trong mùa đông này là lúc thời tiết giá rét, khô hanh. Ngày có thể nắng nhưng đêm đến nhiệt độ hạ thấp, nhiều khi nhiệt độ chêch lệch giữa ngày và đêm lên đến cả chục độ. Chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen tái phát.
Vì sao người cao tuổi dễ mắc hen?
Nguyên nhân gây hen phế quản ở người già rất đa dạng, phức tạp. Trong đó đáng chú nhất là cơ địa dị ứng, khi gặp kháng nguyên lạ (dị ứng nguyên) xâm nhập vào cơ thể sẽ ngay lập tức xuất hiện phản ứng dị ứng gây co thắt phế quản và hen xuất hiện. Nhiều yếu tố thuận lợi làm cho bệnh hen xuất hiện ở NCT như nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp hay mạn tính do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm). Ví dụ như viêm họng mạn tính, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản do lạnh đột ngột hoặc lạnh kéo dài trong khi mặc không đủ ấm hoặc phòng ngủ có gió lùa. Việc dùng một số thuốc điều trị có tác dụng phụ gây hen hoặc làm bệnh hen nặng hơn.
Phòng ngừa bệnh hen tái phát trong mùa lạnh
Cần tái khám định kì
Để phòng cơn hen ở người lớn tuổi, đặc biệt là cơn hen cấp tính. Những người cao tuổi đã và đang mắc bệnh hen suyễn, cần được khám bệnh định kỳ để có chỉ định dùng thuốc điều trị mỗi khi lên cơn hen. Ngoài thuốc điều trị cơn hen, thuốc điều trị ngăn ngừa cơn hen tái phát là hết sức quan trọng. Người cao tuổi cần sử dụng các thuốc điều trị dự phòng đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Để ngăn ngừa cơn hen tái phát, tránh những hậu quả đáng tiếc do cơn hen cấp tính gây ra.
Giữ ấm cơ thể khi giao mùa
Khi thời tiết chuyển mùa, cần mặc ấm, ở trong phòng kín gió. Nếu có điều kiện, mỗi khi trời rét, lạnh nên được sưởi ấm, tốt nhất là dùng đèn sưởi, lò sưởi, quạt sưởi bằng điện, nếu có điều hòa nóng thì càng tốt. Bệnh nhân hen có thể tắm và rửa hàng ngày bằng nước ấm. Mỗi lần tắm rửa cần ở buồng kín gió, tránh gió lùa. Trước khi tắm cần chuẩn bị sẵn quần áo sạch và khăn lau, để khi tắm xong, lau khô người. Nên mặc quần áo ngay, tránh cảm lạnh, cơn hen không xuất hiện.
Mùa lạnh cần có áo ấm, chăn đệm, nếu bị lạnh, rét, cơn hen rất dễ xuất hiện và trở thành cơn hen kịch phát rất nguy hiểm. Thời tiết lạnh giá thì người cao tuổi bị hen suyễn cần hạn chế đi ra ngoài. Nếu phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, cổ quàng khăn, chân tay cần có tất, đầu đội mũ ấm, đeo khẩu trang. Trong túi nên có sẵn lọ thuốc xịt hen. Nếu trường hợp người cao tuổi đang lên cơn hen (dù nhẹ) cũng không nên ra khỏi nhà lúc lạnh giá.
Thay đổi lối sống sinh hoạt
Người già cần bỏ thuốc lá, thuốc lào (nếu đang dùng), trong gia đình không nên nuôi chó mèo. Nếu dùng thảm trải nhà cần vệ sinh sạch sẽ, phơi nắng mỗi tuần để diệt các loại mò, mạt. Người cao tuổi bị hen suyễn nên hạn chế uống rượu, bia (kiêng được càng tốt). Không ăn các loại thực phẩm làm xuất hiện cơn hen (tôm, cua, mắm tôm…).
Không khí hiện nay rất ô nhiễm. Do đó nếu muốn tránh xa các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí thì bạn cần sử dụng khẩu trang mỗi khi ra đường. Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng. Những người có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn nên thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn này. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm. Để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Đây là một trong những cách loại bỏ tác nhân gây nên hen suyễn đơn giản, dễ thực hiện.
Nguồn: suckhoedoisong.vn