Toàn nhân loại đang sống trong thế kỷ XXI. Đây là bước ngoặt về mặt kinh tế, khoa học,… Nhưng đặc biệt nhất là sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ thông tin. Đã làm cho đời sống con người ngày càng được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh đó, những giá trị đạo đức cốt lõi của cha ông ta truyền lại đang bị xói mòn bởi vấn đề sống thực dụng, duy vật chất. Và hậu quả kéo theo đó là cả một hệ lụy. Thêm vào đó, giới trẻ ngày nay còn lạm dụng sự tự do để có thể chạy theo lối sống hưởng thụ, mà họ cho là hợp thời. “Sống Thử” Của Giới Trẻ là một trong những lạm dụng đó.
Vấn đề nhức nhối này không chỉ là sự quan tâm bậc nhất của bậc cha mẹ. Mà đây còn là thách thức của các nhà giáo dục.
Tình trạng “sống thử” của giới trẻ
Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung”. Đã và đang trở thành một thứ “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay. Không chỉ trong giới công nhân sống xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Mặt khác, “sống thử” đa phần là học đòi theo mốt chứ chưa có định hướng tương lai là có lấy nhau hay không. Xét theo truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì “sống thử” là một lối sống không phù hợp, không nên khuyến khích. Nó có tác động xấu đến đời sống và mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội. Đồng thời, “sống thử” khó được toàn xã hội chấp nhận, đó là lối sống sai lầm, buông thả, phóng túng, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống. Là một biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống thực dụng ngày nay.
Nguyên nhân “sống thử” của giới trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử”:
Nguyên nhân bản thân
Do sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu vật chất. Hoặc có thể vì đua đòi và đi theo não trạng sai lạc do chủ thuyết “duy thế tục” được tự do quảng bá dưới mọi hình thức trong đời sống xã hội. Một số bạn không thích kết hôn khi sự nghiệp chưa vững vàng và càng không thể để “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Tư tưởng mạnh mẽ giúp họ cởi mở hơn trong quan niệm tình dục và không còn e dè dư luận xã hội trước kia.
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM cho rằng. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến giới trẻ sống trước hôn nhân thiếu thốn tình cảm, sống buông thả”.
Nguyên nhân từ gia đình
Do cha mẹ sống không hạnh phúc, những cảnh xào xáo, chửi bới và cãi vã thường ngày trong gia đình. Chính là yếu tố làm cho giới trẻ không muốn nghĩ đến hôn nhân. Ngược lại, coi hôn nhân như một sự ràng buộc, cùm kẹp, hoặc chỉ như cơ hội để người ta lợi dụng nhau. Đồng thời, do cha mẹ bồ bịch, mèo chuột, muốn “tìm của lạ”. Hoặc “ông ăn chả, bà ăn nem” nên không thể khuyên bảo con cái được. Cha mẹ lăng nhăng mà cấm con cái bồ bịch mới là chuyện lạ!
Hơn nữa, cha mẹ không quan tâm đến đời sống và tình cảm của con mình. Không động viên con cái sống lành mạnh, chỉ biết phó mặc cho nhà trường, thì làm sao chúng không hư hỏng. Theo thạc sĩ tâm lý nữ tu Hồ Thị Hạnh cho biết: “Do cha mẹ chỉ biết kiếm tiền, không quan tâm đến đời sống của con cái. Mà thực ra, cha mẹ đâu chỉ có kiếm tiền cho con là đủ. Mà còn phải biết đồng hành với con cái, nhất là ở lứa tuổi đang chập chững biết yêu”.
Nguyên nhân từ xã hội
Do ảnh hưởng văn hóa Phương Tây, nên tình trạng “sống thử” ở giới trẻ đang báo động. Nhiều bạn trẻ thật dễ dãi, cho rằng “việc đó” là bình thường, không ảnh hưởng gì.
Theo tiến sĩ Vũ Gia Hiền: “Các bạn trẻ “sống thử” do lối sống dễ dãi của các bạn. Đồng thời, do ảnh hưởng của nền văn hóa “tốc độ. Một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu “rất hiện đại” hay còn gọi tình yêu tốc độ”. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm các bạn sinh viên sống ở khu nhà trọ. Tôi thật bất ngờ trong một dãy phòng trọ, có khoảng một phần ba các bạn “sống thử” trước hôn nhân, hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung”.
Hậu quả của việc “sống thử”
“Sống thử” mang lại nhiều khó khăn hơn những gì người ta tưởng tượng về nó. Và thực sự, trong cuộc sống “thử” người ta cũng ít có trách nhiệm với nhau hơn. “Sống thử” là một cuộc sống không lâu bền. Vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ. Những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau. Nhất là những cặp sinh viên “sống thử” còn phải mang theo nỗi lo học hành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì càng bức bối. “Sống thử” rất bấp bênh, thiếu một mục đích cụ thể, do vậy khi gặp khó khăn, mâu thuẫn đáng ra có thể giải quyết được, thì hai người lại dễ buông xuôi và tan vỡ.
Trả giá quá “lớn”
Một phút vui chơi bên người mình yêu, bên tình nhân tưởng như đang ở thiên đường. Những tháng ngày vắn vỏi bên nhau tưởng giúp con người thoải mái về tinh thần và thể xác. Hay đáp ứng cách trọn vẹn khao khát sống cho nhau. Nhưng hậu quả của nó mang lại rất lớn mà người trong cuộc thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình.
Bên cạnh nỗi đau về tinh thần còn có nỗi đau về thể xác. Hậu quả của người trong cuộc khó tiên liệu trong hiện tại. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại. Hiện tại họ không có lựa chọn nào khác hơn là phá bỏ cái thai. Nhẫn tâm trở nên “thú dữ” với chính mầm sống đang từng ngày lớn lên trong bụng.
Một khi cuộc sống chung không xây dựng trên nền tảng vững chắc của gia đình. Thì tất yếu sẽ dễ dàng đi đến chỗ rạn nứt và đổ vỡ với những lý do rất đời thường như: ghen tuông, không còn yêu nhau, hay không có trách nhiệm… Và đó cũng là nguyên nhân xảy ra những cuộc ẩu đả, bạo hành giữa vợ chồng với nhau… trước khi chia tay. Phần lớn người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi.
Di chứng tương lai
Một khi “trao thân gửi phận” cho nhau nhưng không thành vợ chồng. Cũng để lại nhiều vết thương lòng và tâm lý trong tương lai. Nhiều phụ nữ lỡ “trải nghiệm” trong quá khứ, thì tương lai phải đối diện câu trả lời về trinh tiết với người bạn đời hay khi yên bề gia thất, người cũ quấy rối, tống tiền hoặc mặc cảm tự ti với gia đình… Tất cả điều đó, thường cản lối đến với cuộc sống tốt đẹp phía trước. Và sự chọn lựa vì đó không được trọn vẹn. Và chắc chắn, không có cơ hội tận hưởng hạnh phúc, dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi trong cuộc đời dương thế.
Tất cả những hậu quả đó, hơn ai hết, chính bản thân người trong cuộc sẽ phải gánh chịu. Không chỉ ở thời gian hiện tại mà còn ảnh hưởng dài tới tương lai sau này. Hậu quả của việc “sống thử”, quan hệ trước hôn nhân sẽ dễ sinh nhàm chán và nếu có hôn nhân thì cuộc sống của họ thường không hạnh phúc và tiếp theo là một “lộ trình buồn”. Thật đáng tiếc cho giới trẻ ngày nay.
Hạn chế việc “sống thử”
Nên cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức về tình yêu, về hôn nhân gia đình, không nên vì những lời ngon ngọt của người yêu mà bỏ qua những chuẩn mực, giá trị đạo đức của người Việt Nam. Các bạn gái phải tự biết bảo vệ cái quý giá nhất của mình. “Sống thử”, nếu “dính bầu” thì đơn giản là đi phá thôi sao? Đừng chỉ vì một giây phút nông nổi mà bạn phải ân hận suốt đời khi mất luôn thiên chức làm mẹ. Hơn nữa, các bạn nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh, giao lưu học hỏi và phải quyết tâm nói không với việc “sống thử”.
Nguồn: vinaconnect.vn