Nhìn thấy con trẻ trưởng thành từng ngày luôn là mong ước của tất cả các bậc cha mẹ. Con khỏe mạnh, cao lớn, thông minh, ngày ngày khôn lớn thì chắc hẳn rằng cha mẹ cũng sẽ thêm phần yên tâm. Chăm sóc con là cả một quá trình chứ không chỉ riêng lúc con còn nằm trên tay tập tễnh biết đi. Giai đoạn mà trẻ đến trường là khởi đầu cho sự khôn lớn. Lúc này, cha mẹ cần phải chú ý hơn đến con, trong chế độ ăn uống cần bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để trẻ có thể tràn đầy năng lượng và không bị mệt mỏi trong quá trình học tập.
Protein
Theo tạp chí Parents, đây là dưỡng chất giúp trẻ cảm thấy tỉnh táo và không bị mệt mỏi giữa giờ. Protein là yếu tố tham gia vào hầu hết thành phần cơ thể, đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch của trẻ. Thực phẩm giàu protein: Trứng, sữa ít béo hoặc không béo, thịt nạc. Các loại hạt (bao gồm cả bơ hạt), hạt và đậu khô nấu chín.
Canxi
Dưỡng chất này giúp phát triển khối lượng xương và răng, gần như tất cả được xây dựng trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Việc thiếu canxi có thể cản trở sự phát triển của trẻ, gây loãng xương, suy giảm thể chất, thiếu năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Thực phẩm giàu canxi: Sữa, phô mai, sữa chua, ngũ cốc, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành.
Chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ có thể ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón, khó tiêu ở trẻ. Nó còn giúp trẻ ăn uống đều đặn và no lâu. Thực phẩm giàu chất xơ: Gạo lứt, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, mì ống, khoai lang.
Kali
Dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng chất lỏng, kiểm soát huyết áp và giúp cơ co lại. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em đang nhận được ít hơn 60% liều lượng kali được khuyến nghị. Một phần là do nhiều trẻ không có đủ trái cây và rau quả trong chế độ ăn của mình. Thực phẩm giàu kali: Chuối, cam, sữa chua, khoai lang, cà chua, các loại dưa.
Sắt
Trẻ em rất cần sắt để xây dựng hệ thống máu khỏe mạnh, mang oxy đến các tế bào trên khắp cơ thể. Bữa sáng thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng không tốt đến trí nhớ của trẻ, gây các vấn đề về học tập và hành vi. Thiếu sắt đặc biệt phổ biến ở trẻ em thừa cân, có chế độ ăn nhiều calo nhưng nghèo chất dinh dưỡng. Thực phẩm giàu sắt: Hải sản, thịt bò, thịt gà, các loại đậu, nho khô, bánh mì nguyên cám.
Carbohydrates
Dưỡng chất này giúp trẻ no lâu và tiêu hóa tốt hơn. Chúng giúp cơ thể trẻ sử dụng chất béo, protein để xây dựng và sửa chữa mô. Thiếu carbohydrates có thể khiến trẻ khó chịu, không tập trung nghe giảng bài. Thực phẩm chứa carbohydrates phức tạp: Ngũ cốc nguyên hạt, gạo nâu, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh nướng xốp, trái cây và rau củ.
Chất béo lành mạnh
Axit béo omega-3 có trong cá hồi rất tốt cho trí não và thị lực của trẻ, giúp trẻ gia tăng khả năng học tập. Thiếu hụt axit béo có thể tác động tiêu cực đến kết quả học tập của trẻ. Trẻ có thể bị chứng khó đọc, viết kém. Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh: Cá hồi, cá ngừ, bơ, các loại hạt.
Thực phẩm giàu năng lượng được các mẹ tin dùng
- Hạnh nhân: Theo The Daily Meal, đây là bữa ăn nhẹ lành mạnh giúp trẻ tràn đầy năng lượng suốt cả ngày. Hạnh nhân rất giàu vitamin B và magiê, giúp chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng lâu dài.
- Chuối: Trái cây này chứa nhiều kali, vitamin và khoáng chất… Những chất này giúp cải thiện tâm trạng. Ngoài ra còn tăng cường năng lượng và nâng cao sự tập trung cho trẻ.
- Trái cây có múi: Cam, bưởi, chanh… là các loại trái cây có múi giàu vitamin C. Chất dinh dưỡng này rất cần thiết cho chức năng miễn dịch. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp con trẻ tràn đầy năng lượng cần thiết.
- Trứng: Chứa nhiều protein, axit amin, axit béo omega-3. Trứng là thực phẩm cần thiết cho trẻ ở độ tuổi tới trường. Những dưỡng chất này rất quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng cơ bắp; bảo vệ hệ thống miễn dịch, điện não và cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Nguồn: zingnews.vn