Tay chân miệng là bệnh chúng ta thường thấy ở trẻ em. Tuy là bệnh thường gặp nhưng một khi bệnh nặng sẽ để lại cho trẻ những biến chứng rất nguy hiểm… Bệnh do vi rút enterovirus thuộc họ Picornaviridae gây ra. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều hơn vào tháng 2 cho đến tháng 4 và khoảng từ tháng 9 cho đến tháng 12. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về biện pháp ngăn ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Lời khuyên của bác sĩ
Trao đổi với phóng viên, BS.Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào đầu tháng 7 đến cuối năm (cao điểm nhất là 3 tháng cuối năm) thời tiết có nhiều biến đổi, khí hậu thất thường, độ ẩm cao… Biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng phải kể đến như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân…
Khi trẻ có những biểu hiện như trên thì cha, mẹ nên đưa con của mình đến trung tâm y tế gần nhất để điều trị. Nói như vậy bởi lẽ, khi bệnh chuyển nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim… rất dễ dẫn đến tử vong. Tháng 10.2018, bệnh viện đã nhận hằng trăm bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến từ một số tỉnh khu vực ĐBSCL chỉ trong vòng ít ngày.
Tình hình bệnh tay chân miệng
Theo ghi nhận, hầu hết các trẻ nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ; phần lớn mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 2A. Tức là vẫn chưa đến mức nguy kịch và có thể nằm điều trị, theo dõi. Riêng đối với các ca bệnh nặng, ở tình trạng nguy hiểm như ở mức độ 3 và 4; các bác sĩ buộc phải đưa đến phòng điều trị đặc biệt, cho thở máy và theo dõi gắt gao bởi. Vì bất cứ lúc nào bệnh cũng sẽ có những biến chuyển khó lường.
Trung bình, mỗi trường hợp mắc bệnh ở mức độ 2A sẽ phải nằm điều trị tại bệnh viện khoảng 7 ngày mới được trở về nhà, nếu nặng thì có thể lâu hơn, BS. Dũng nhấn mạnh.
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh phổ biến đối với trẻ em (đa phần là trẻ dưới 5 tuổi). Sức đề kháng còn khá non nớt việc điều trị cho trẻ khi bệnh chuyển nặng là hết sức khó khăn.
Vì lẽ đó, phụ huynh cần chủ động phòng bệnh từ xa cho trẻ. Ví như, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Có như thế quý cha mẹ mới có thể bảo vệ con mình an toàn, đỡ phải mất thời gian, tiền bạc để ôm con đến bệnh viện điều trị, BS. Dũng thông tin.
Những lưu ý trong phòng chống bệnh tay chân miệng
- Để phòng bệnh tay chân miệng, việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng;
- Cần thực hiện vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày và vệ sinh đúng cách. Nhất là trước và sau khi tiếp xúc với trẻ;
- Đối với trẻ đã mắc bệnh: Cần giặt sạch quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ; sau đó ngâm qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B.
- Cần tách riêng, không giặt chung quần áo của trẻ bệnh với các trẻ khác
- Tuyệt đối không được mớm cơm, mớm thức ăn cho trẻ. Không dùng tay bốc thức ăn trực tiếp cho trẻ. Dạy trẻ không ăn bốc, không mút tay. Không đưa đồ chơi lên miệng để ngậm mút.
- Hạn chế cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay. Dùng những vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được vệ sinh và khử khuẩn
- Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Phân của bệnh nhân tay chân miệng cần được xử lý tốt. Tránh thải trực tiếp ra môi trường xung quanh;
- Nhà vệ sinh của những gia đình có người mắc bệnh tay chân miệng; cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.
Nguồn: laodong.vn