Đối với những phụ nữ đang mang thai nói riêng thì việc bổ sung một chế độ dinh dưỡng khoa học là điều vô cùng quan trọng. Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp thai nhi trong bụng phát triển tốt, sức khỏe của người mẹ cũng không bị sa sút. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi đời sống vật chất ngày một đi lên thì các mẹ bầu lại càng có thêm cơ hội để tìm hiểu những món ăn đủ dưỡng chất để bổ sung cho quá trình mang thai. Một trong số món ăn không thể bỏ qua đó là cháo cá chép. Bà bầu ăn cháo cá chép sẽ giúp an thai. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về lợi ích cũng như cách chế biến món ăn này ngay sau đây nhé.
Cháo cá chép có tốt không?
Phân tích theo thành phần dinh dưỡng, cá chép có hàm lượng chất đạm cân đối. Các chất béo không bão hòa như omega-3 và vitamin B12 rất tốt cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh ở thai nhi. Không chỉ vậy, khi ăn cá chép, mẹ bầu còn được cung cấp các khoáng chất cần thiết khác như kẽm, selen,…
Dựa theo mức độ thủy ngân của cá, EPA và FDA của Mỹ khuyến cáo rằng cá chép thuộc nhóm tốt (“good choice”). Do đó người trưởng thành có thể ăn 1 khẩu phần mỗi tuần (tương đương với khoảng 113g). Nhiều mẹ bầu bị nghén khi mang thai có thể khá nhạy cảm với mùi tanh của cá. Vậy làm thế nào để nấu được món cháo cá chép vừa thơm ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ bầu và thai nhi? Tiếp tục theo dõi phần tiếp theo của bài viết nào các bạn.
Hướng dẫn nấu cháo cá chép
Những nguyên liệu cần có: Cá chép 1 con, gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, gừng, hành tím, thìa là, hành lá, rau mùi tàu, muối, dầu ăn, nước mắm, hạt tiêu. Cách chế biến khá đơn giản như sau:
– Đậu đỏ ngâm nước ấm hoặc ngâm nước lạnh qua đêm để hạt đậu nở mềm. Sau đó loại bỏ những hạt đậu bị hỏng, rửa sạch và để ráo. Gạo nếp vo sạch, loại bỏ hạt thóc. Nấu nhừ gạo nếp.
– Thìa là, hành lá, rau mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.
– Cá chép làm sạch vảy, ruột, mang cá và phần đen trong bụng cá. Có thể rửa thêm với nước vo gạo hoặc nước gừng để hạn chế mùi tanh của cá. Luộc cá đến khi vừa chín tới. Phần cá thì gỡ lấy thịt, sau đó xào sơ bằng dầu ăn, hành khô và gia vị.
– Phần nước luộc cá: gạn đi phần cặn dưới đáy, còn lại dùng để ninh nhừ đậu đỏ. Khi đậu đỏ chín nhừ thì cho cháo trắng vào đun cùng, nêm gia vị và khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
– Cho cá đã xào sơ vào nồi cháo, thêm thìa là, mùi tàu, hành lá vào đun sôi rồi tắt bếp. Ngoài ra có thể thay thế đậu đỏ bằng đậu xanh, hạt sen,… thêm nấm, rau tùy sở thích, mẹ bầu cũng có những món cháo cá rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Một số món ăn ngon khác từ cá chép
Ngoài món cháo bổ dưỡng, bà bầu ăn cá chép có thể biến tấu cá chép thành nhiều món mới khác lạ miệng hơn. Mẹ bầu có thể tham khảo một số món chúng tôi liệt kê như sau:
– Cá chép sốt cà chua
– Cá chép kho riềng
– Canh cá chép nấu mẻ/măng chua
– Cá chép nướng
– Cá chép chiên xù
– Lẩu cá chép
– Cá chép hấp bia
Những lưu ý đối với bà bầu khi ăn cháo cá chép
Theo một số lời truyền miệng, chế biến cá chép không cần làm sạch ruột mà chỉ cần rửa sơ qua, cho thêm vài nắm gạo vào chung. Ăn như vậy vừa không bị mất chất mà con sinh ra lại cực kỳ trắng trẻo, thông minh. Nhưng trên thực tế, cách làm này hoàn toàn phản khoa học và cần phải loại bỏ ngay.
Vì trong vảy, ruột và mang cá chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, suy gan, suy thận,…rất nguy hiểm tới tính mạng con người đặc biệt là mẹ bầu nuôi thai. Hơn nữa, 90% trong mật cá chép là chất Cyprinol sulfat, còn lại là các acid mật khác. Chất này đi vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy. Thậm chí chất này có thể gây tử vong với tỉ lệ cao do suy thận, gan cấp…
Nấu cháo cá chép đúng cách cần sơ chế kỹ, đánh vảy bóc mang sạch, luộc sau đó lọc thịt để nấu cháo giúp bà bầu luôn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn như mong muốn. Mỗi tuần, các thai phụ có thể ăn 1 – 2 bữa cá chép, có thể thay đổi phương pháp nấu để tránh nhàm chán khi ăn.
Nguồn: Meijimom.vn